Các chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 12/2021 (từ ngày 11 - 20/12/2021)

Các chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 12/2021 (từ ngày 11 - 20/12/2021)

Các chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 12/2021 (từ ngày 11 - 20/12/2021), cụ thể như sau:

1. Bãi bỏ một số VBQPPL liên quan đến công chức

Có hiệu lực từ ngày 20/12/2021,
Thông tư 6/2021/TT-BNV bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công chức như:

- Thông tư 01/2009/TT-BNV ngày 19/3/2009 hướng dẫn trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân.

- Thông tư 02/2016/TT-BNV ngày 01/02/2016 hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

- Quyết định 82/2004/QĐ-BNV ngày 17/11/2004 ban hành tiêu chuẩn Giám đốc Sở và các chức vụ tương đương thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Quyết định 83/2004/QĐ-BNV ngày 17/11/2004 ban hành tiêu chuẩn Vụ trưởng thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

2. Bổ sung mức thu phí thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hạng IV

Thông tư 92/2021/TT-BTC quy định mức thu phí dự thi thăng hạng viên chức như sau:

- Nâng ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hạng I:

+ Dưới 50 thí sinh: 1.400.000 đồng/thí sinh/lần.

+ Từ 50 đến dưới 100 thí sinh: 1.300.000 đồng/thí sinh/lần.

+ Từ 100 thí sinh trở lên: 1.200.000 đồng/thí sinh/lần.

- Nâng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và tương đương; thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hạng II, hạng III, hạng IV.

+ Dưới 100 thí sinh: 700.000 đồng/thí sinh/lần.

+ Từ 100 đến dưới 500 thí sinh: 600.000 đồng/thí sinh/lần.

+ Từ 500 thí sinh trở lên: 500.000 đồng/thí sinh/lần.

Như vậy, so với hiện hành, bổ sung mức thu phí thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hạng IV.


Thông tư 92/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/12/2021 và thay thế Thông tư 228/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016.

3. Cá nhân được vận động, kêu gọi quyên góp từ thiện

Chính phủ ban hành
Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện bao gồm:

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ban Vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện (là tổ chức do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thành lập).

- Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã (khi được UBND cấp huyện ủy quyền theo quy định).

- Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai.

- Các cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở y tế.

- Các quỹ từ thiện quy định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019.

- Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân.

- Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự.

Như vậy, so với hiện hành, đã bổ sung thêm trường hợp cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự được kêu gọi quyên góp từ thiện.


Nghị định 93/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 11/12/2021 và thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008.

4. Nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi từ ngày 12/12/2021

Đây là nội dung tại
Quyết định 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm.

Theo đó, quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi như sau:

Số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng.

Như vậy, hạn mức trả tiền bảo hiểm này đã tăng so với hạn mức bảo hiểm theo quy định hiện hành tại Điều 3
Quyết định 21/2017/QĐ-TTg là 75.000.000 đồng.

Quyết định 32/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 12/12/2021 và thay thế Quyết định 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017.