Kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến đúng hướng, tích cực, toàn diện

Kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến đúng hướng, tích cực, toàn diện

Chiều ngày 5/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2012. Tại buổi họp Bộ trưởng đã thông báo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm năm 2012 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2013.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh TH

Theo đó, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), sau khi giảm liên tục trong 5 tháng đầu năm và có trị số âm (-) trong 2 tháng gần đây, đã tăng 0,63% so với tháng trước, là mức tăng cao nhất trong vòng 6 tháng gần đây. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 2,86% so với tháng 12/2011 và tăng 5,04% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của các năm trước.
Về tiền tệ, tín dụng: Tính đến ngày 20/8/2012, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 10,3% so với 31/12/2011. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 11,23%. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 1,4% so với 31/12/2011. Tuy dư nợ tín dụng tăng trưởng ở mức thấp nhưng cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động và linh hoạt hơn, các mức lãi suất điều hành đã giảm nhanh với tổng mức giảm từ 4-5%/năm, phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Nhiều ngân hàng đã triển khai các gói tín dụng quy mô lớn hỗ trợ khách hàng tốt để sản xuất kinh doanh các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất thấp, khoảng 9-10%. Hiện nay, lãi suất cho vay các lĩnh vực: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa phổ biến ở mức 10-13%/năm; cho vay sản xuất kinh doanh khác 12-15%/năm.
Tổng thu NSNN tính đến 15/8/2012 ước đạt 418,46 nghìn tỷ đồng, bằng 56,5% dự toán, tăng 1,7% so cùng kỳ năm 2011. Tổng chi NSNN tính đến 15/8/2012 ước đạt 534 nghìn tỷ đồng, bằng 59,1% dự toán, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2011.
Trong tháng 8/2012, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,8 tỷ USD, giảm 3,8% so với tháng 7/2012. Tính chung 8 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 73,35 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 73,41 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nhập siêu giảm mạnh; nhập siêu 8 tháng đầu năm khoảng 62 triệu USD, bằng 0,08% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Sản xuất công nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực qua từng tháng[3]. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 8 tháng đầu năm tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2011. Chỉ số IIP tháng 8 tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Hàng tồn kho giảm từ 34,9% tại thời điểm 01/3/2012 xuống 20,8% vào đầu tháng 8/2012[4]. Trong tháng 8, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên 6,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 3,3% so với tháng 7/2012 với số vốn đăng ký là 73,6 nghìn tỷ đồng, tăng 161,3%. Tính chung 8 tháng đầu năm, cả nước có hơn 46 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, cao hơn số 35,5 nghìn doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động; trong đó có hơn 2.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại.
Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, đạt kết quả tốt. Tổng sản lượng thủy sản 8 tháng đầu năm ước đạt xấp xỉ 3,7 triệu tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá; hoạt động du lịch diễn ra sôi động, lượng khách quốc tế tăng cao. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội cơ bản được bảo đảm[5]. Các vấn đề xã hội bức xúc được quan tâm, giải quyết. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển. Tai nạn giao thông giảm mạnh, trật tự an toàn giao thông chuyển biến tích cực. Các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao tiếp tục được quan tâm, phát triển. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định. Công tác đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực...
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức: Chỉ số phát triển công nghiệp 8 tháng chỉ bằng 64,6% tốc độ tăng cùng kỳ năm 2011. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tháng 8/2012 thấp hơn so với tháng 7/2012. Việc xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn chưa chuyển biến tích cực; diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ vẫn khá phức tạp. Khu vực doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ nguồn vốn thấp; sức mua của thị trường trong nước thấp; chỉ số tồn kho tuy có giảm song vẫn còn ở mức cao; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống người lao động; tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra; thu ngân sách nhà nước đạt thấp. Đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là người nghèo, lao động mất việc làm,... đang gặp nhiều khó khăn; các tệ nạn và trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn còn diễn biến phức tạp.
Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các tháng cuối năm và cả năm 2012, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp, chính sách đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ, các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Giải pháp kiểm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn

trong SXKD đang phát huy hiệu quả. Ảnh HMT

Tập trung thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường cho phát triển sản xuất kinh doanh, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nhưng không làm bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát tăng cao trở lại. Trong đó chú trọng (i) hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho để bước vào chu kỳ sản xuất kinh doanh mới; (ii) có biện pháp hiệu quả giải quyết nợ để các doanh nghiệp có thể từng bước quan hệ tín dụng bình thường trở lại với các ngân hàng; (iii) tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tăng xuất khẩu trở lại, nhất là các mặt hàng chủ lực (iv) quản lý tốt thị trường trong nước...
Điều hành chính sách giá cả linh hoạt, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ các loại giá, phí ảnh hưởng hoặc trực tiếp làm tăng chi phí đầu vào của sản phẩm. Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại và đầu tư; mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, nhất là các mặt hàng sản xuất từ nguyên liệu trong nước. Nâng cao chất lượng để tăng giá trị với nhóm hàng sản xuất truyền thống (đặc biệt là nông, lâm, thuỷ sản) không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng. Chú trọng triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu gắn với chống gian lận hàng hóa, hàng giả, hàng kém chất lượng; chú trọng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Xác định mức độ ưu tiên tiếp cận ngoại tệ đối với các nhóm hàng không thiết yếu khi cho vay nhập khẩu. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thị trường, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng gây sốt giá ảo. Bảo đảm chất lượng và giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là giá sữa, giá thuốc chữa bệnh cho người, thuốc bảo vệ động, thực vật, phân bón,... và giá cả nguyên vật liệu là đầu vào cho hoạt động sản xuất. Nhân rộng sản xuất lúa theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn”; xây dựng phương thức hỗ trợ thu mua nông sản, thủy sản phù hợp, bảo đảm lợi ích của người sản xuất; có chính sách hỗ trợ thu mua cá tra và gia súc, gia cầm. Đẩy mạnh việc phát triển kho trữ lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long. Tập trung kiện toàn tổ chức và đầu tư trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng kiểm ngư; đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các công trình phòng, chống lụt bão, chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thiên tai.
Ngân hàng cần áp dụng cơ chế linh hoạt để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp nói chung; nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chú trọng các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ,… Tăng mức cấp tín dụng cho khu vực nông nghiệp nông thôn với lãi suất thấp. Đẩy mạnh việc triển khai tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu. Tăng cường quản lý, thanh tra, giám sát ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ để bảo đảm an toàn hệ thống. Điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, hướng tới mục tiêu ổn định giá trị của VND.
Tiếp tục thực hiện giảm tiền thuê đất, gia hạn nộp tiền sử dụng đất, miễn thuế môn bài đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối.. theo Nghị quyết 13/NQ-CP và Nghị quyết của Quốc hội.
Đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân vốn đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu Quốc gia. Bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA, đặc biệt là các dự án lớn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện; ưu đãi hợp lý cho các doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư.
Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về phòng chống tham nhũng, lãng phí, trong đó chú trọng xử lý các vụ khiếu kiện kéo dài.
Triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về chính sách tiền lương, chính sách xã hội, chính sách đối với người có công.
Thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ lao động mất việc làm từ các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, nhất là tại các Khu công nghiệp, đô thị. Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo; tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững 2011 - 2015. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát để nâng cao hiệu quả việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Từng bước thực hiện việc giảm tải bệnh viện tại các đô thị hiện nay đang gây bức xúc và khó khăn cho người dân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm./.
 
Theo trang tin Chính phủ