Phạt lũy tiến với hành vi chậm nộp thuế

Phạt lũy tiến với hành vi chậm nộp thuế

Người chậm nộp thuế bị phạt 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp dưới 90 ngày, 0,07%/ngày nếu vượt quá 90 ngày.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, có ý kiến của đại biểu cho rằng, mức phạt chậm nộp thuế 0,07%/ngày tính trên số tiền chậm nộp là quá cao, đề nghị giữ như quy định hiện hành (0,05%/ngày). Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị tăng mức phạt chậm nộp lên 0,1%/ngày hoặc quy định mức phạt chậm nộp theo biểu lũy tiến.

Trước những ý kiến này, UBTVQH cho ý kiến rằng, mức xử phạt 0,05%/ngày như quy định hiện hành là quá thấp, dẫn đến tình trạng người nộp thuế cố tình chây ỳ nhằm chiếm dụng tiền thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Vì vậy, Ủy ban tiếp thu theo hướng quy định mức phạt theo biểu lũy tiến đối với hành vi chậm nộp: “Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức luỹ tiến 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp không quá 90 ngày, 0,07%/ngày với số ngày chậm nộp vượt quá 90 ngày”.

Về thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế, UBTVQH giữ nguyên quy định hiện hành như hiện nay là 90 ngày, sau khi có ý kiến đề nghị nâng thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế từ 90 ngày lên 180 ngày đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn, các tập đoàn, Tổng công ty có đơn vị phụ thuộc.

Theo UBTVQH, việc nếu kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế đối với một số doanh nghiệp có quy mô lớn, các tập đoàn, Tổng công ty có đơn vị phụ thuộc sẽ không bảo đảm công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế, UBTVQH tiếp thu và sửa lại theo hướng "Cơ sở kinh doanh kê khai lỗ lũy kế 2 năm liên tục hoặc có số lỗ vượt quá vốn điều lệ đăng ký; được hoàn thuế từ hoạt động kinh doanh bất động sản, kinh doanh thương mại, dịch vụ; thay đổi địa điểm kinh doanh trong vòng 12 tháng tính từ thời điểm có Quyết định hoàn thuế trở về trước; có sự thay đổi bất thường giữa doanh thu tính thuế và số thuế được hoàn trong giai đoạn 12 tháng thì thời hạn kiểm tra là không quá 1 năm, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế".

Đối với các trường hợp khác, việc kiểm tra sau hoàn thuế được thực hiện theo cơ chế quản lý rủi ro và thời hạn kiểm tra là không quá 10 năm, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế.

Hiện nay, việc quy định thời hạn kiểm tra sau hoàn thuế quá ngắn (1 năm hoặc 6 tháng đối với tất cả các trường hợp hoàn trước, kiểm sau) sẽ khó bảo đảm tính khả thi và vi phạm nguyên tắc kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp không quá 1 lần/năm.

 

strong>( Nguồn : http://www.horwathdtl.com)