Xu hướng toàn cầu của ngành kế toán, kiểm toán và tài chính và chiến lược của Việt Nam đến năm 2020

Xu hướng toàn cầu của ngành kế toán, kiểm toán và tài chính và chiến lược của Việt Nam đến năm 2020

Hơn 200 đại biểu có mặt tại Hội thảo đến từ Bộ Tài chính, các doanh nghiệp, các hiệp hội, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính kế toán và quản trị nhân sự. Hội thảo nhằm đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược kế toán - kiểm toán Việt Nam đến năm 2020, đưa ra những phân tích toàn diện và đề xuất giải pháp trọng tâm thực hiện chiến lược đáp ứng yêu cầu thị trường và hội nhập từ thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế.

Tại buổi hội thảo, PGS.TS Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán - Bộ Tài chính nhận định về thực trạng phát triển của ngành kế toán, kiểm toán Việt Nam hiện nay: Việt Nam đã có 3 thập kỷ thực hiện cải cách kế toán, kiểm toán. Ở thập kỷ thứ 3 này, với chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Thủ tướng phê duyệt, hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đáp ứng yêu cầu quản lý của nền kinh tế thị trường chuyển đổi, dần hoàn thiện và phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể như đã tạo lập được hệ thống kế toán, kiểm toán khá hoàn chỉnh, phù hợp với cơ chế quản lý của Nhà nước và phát triển nghề nghiệp kế toán, kiểm toán khu vực và thế giới nhằm thoả mãn yêu cầu thông tin cho quản lý, điều hành và kiểm tra, kiểm soát các nguồn lực của nền kinh tế, các hoạt động kinh tế, kiểm toán đến việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, 3 hệ thống chuẩn mực, phương pháp nghiệp vụ phù hợp với nền kinh tế thị trường đang phát triển của Việt Nam, hoà nhập với thông lệ quốc tế; Đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động. Trong đó, đặc biệt là hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán; Tăng cường kiểm tra giám sát thực thi pháp luật của đơn vị cơ sở; Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; Mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực với các tổ chức nghề nghiệp trên thế giới.

Cũng tại hội thảo, GS.TS John Sullivan, Nhà diễn thuyết quốc tế đến từ Thung lũng Silicon- Mỹ, đưa ra các quy tắc tuyển dụng thực tiễn dành cho DN Việt Nam như, ngoài kỹ năng chuyên môn, các cá nhân cần phải có các “kỹ năng tương lai”: Học hỏi nhanh; sáng tạo và có ý thức về sự cấp bách; làm việc hiệu quả hàng đầu; thích ứng nhanh; thực hiện công việc bằng kỹ thuật số; người có thể dự đoán và đưa ra các phân tích có tính dự báo; người có thể đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu chứ không phải dựa trên kinh nghiệm.

Lệ Dung